Đề xuất cho phạm nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người

18/09/2024
|
0 lượt xem
Pháp Luật
Đề xuất cho phạm nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người

Thông tin được nêu trong dự Luật Thi hành án hình sự sửa đổi đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Đây là điểm mới so với luật hiện hành.

Bộ Công an đề xuất, trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người thì cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp với Sở Y tế trên địa bàn, nơi đơn vị đóng quân, để xác định cơ sở y tế đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người.

Cơ sở y tế này sau đó phối hợp với nơi giam giữ để cùng đánh giá về tình trạng sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến. Việc đánh giá nhằm để người hiến vẫn đảm bảo sức khỏe tiếp tục thi hành án.

Sau 5 ngày từ khi đánh giá sức khỏe, thủ trưởng cơ sở giam giữ sẽ báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng để xem xét, quyết định. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự trả lời trong 5 ngày về việc đồng ý hay không, nếu không cần nêu rõ lý do.

Dự thảo nêu cơ sở y tế đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người có trách nhiệm xác nhận về việc phục hồi sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến mô. Đơn vị này cũng có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giam giữ để đưa phạm nhân về tiếp tục chấp hành án.

Về chi tiết thực hiện, Bộ Công an đề xuất Chính phủ quy định.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, trong một ca ghép tạng, tháng 2/2023. Ảnh: Bệnh viện

Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Công an lý giải việc bổ sung này, cùng với quyền của phạm nhân được tham gia bảo hiểm y tế, nhằm bảo đảm quyền con người và "thể hiện được tính nhân văn" trong phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng con người.

Bộ Công an dự kiến trình Quốc hội khóa 15 bổ sung đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Hiện, Việt Nam có hàng nghìn người hiến mô, tạng và hơn 96.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Từ ca ghép tạng thành công đầu tiên cách đây 30 năm, Việt Nam nay đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện nhiều ca ghép đa tạng thời gian qua. Trong hai năm gần đây, các bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca ghép tạng một năm.

Trước đây, chỉ có 5 bệnh viện Trung ương thực hiện được kỹ thuật ghép tạng song nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này. Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước có 8.607 ca ghép tạng được thực hiện.

Phạm Dự

Tin liên quan
Tin Nổi bật