Khớp vai là một trong những bộ phận hoạt động nhiều nhất trên cơ thể, có cấu trúc phức tạp và biên độ vận động lớn. Trong sinh hoạt hằng ngày rất dễ xảy ra chấn thương hoặc mắc bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải phẫu thuật để khôi phục khả năng vận động.
BS.CKI Huỳnh Hoàng Anh, khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngoài cảm giác đau nhức hoặc tê yếu tay vai, độ linh hoạt và tầm vận động của vai cũng có thể là dấu hiệu để đánh giá sức khỏe khớp vai. Thông thường, tình trạng kém linh hoạt chỉ xảy ra khi khớp vai bị tổn thương hoặc viêm.
Bác sĩ Hoàng Anh kiểm tra tình trạng sức khỏe người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh
Bác sĩ Hoàng Anh hướng dẫn hai động tác đơn giản, có thể tự thực hiện tại nhà để đánh giá nhanh độ linh hoạt của vai.
Động tác 1: Đứng thẳng, đưa tay phải lên cao, sau đó gập khuỷu tay phải ra sau đầu, sao cho lòng bàn tay chạm vào bả vai trái. Tay phải đưa xuống càng sâu càng tốt. Đổi bên và thực hiện lại.
Động tác 2: Đứng thẳng, tay phải duỗi thẳng theo thân người, sau đó gập khuỷu tay phải ra sau lưng, cố gắng để mu bàn tay chạm vào bả vai trái. Đổi bên và thực hiện lại.
Hai động tác này có tác dụng đánh giá phạm vi hoạt động của khớp vai, phạm vi di chuyển của cánh tay, tầm hoạt động vào trong hoặc ra ngoài của khớp vai. Nếu tay chạm được vào bả vai, chứng tỏ khớp vai vẫn còn linh hoạt, tầm vận động tốt. Nếu cảm thấy đau hoặc căng cứng, khó chạm tay vào bả vai, người bệnh nên sớm đi khám để kịp thời điều trị.
Mức độ linh hoạt của khớp vai có thể phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe hiện tại. Ảnh: Nguyễn Huy
Để chẩn đoán chính xác bệnh ở khớp vai, bác sĩ khám trực tiếp và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như xét nghiệm máu, đo điện cơ, chụp X-quang, CT, MRI... Một số bệnh lý khớp vai thường gặp gồm:
Thoái hóa khớp vai là tình trạng sụn khớp bị bào mòn, kéo theo những hư tổn ở phần xương dưới sụn làm cho các đầu xương bả vai không còn được bảo vệ, cọ xát vào nhau gây đau khi chuyển động. Quá trình này kéo dài, làm xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn gây sưng đau, cứng khớp.
Tổn thương chóp xoay vai là bệnh lý thường gặp nhất ở khớp vai, bao gồm các tình trạng như viêm gân, đứt bán phần hoặc hoàn toàn chóp xoay, viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng... Triệu chứng điển hình là đau tại khớp vai, nếu rách nặng có thể làm yếu vận động tay.
Viêm bao hoạt dịch co rút khớp vai (đông cứng khớp vai) là tình trạng viêm, co rút và dính dần bao khớp, tạo mô xơ ở bao khớp. Lúc này bao khớp vai dày lên, cứng và căng hơn, khiến vai khó cử động, nếu cử động được thì rất đau.
Trật khớp vai là chấn thương khớp phổ biến, gây đau, tê yếu, vết bầm, biên độ vận động khớp vai giảm hoặc mất hoàn toàn, không cử động được. Cánh tay biến dạng so với khi vai ở trạng thái bình thường, hoàn toàn có thể nhìn thấy rõ hình dạng của vai bị trật bằng mắt thường.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp