Mặt trái của những đoàn cứu trợ tự phát

16/09/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Nhịp Sống
Mặt trái của những đoàn cứu trợ tự phát

"Đi rồi chúng tôi mới nhận ra mình 'điếc không sợ súng' vì không thạo đường xá và thiếu kinh nghiệm đi vùng núi cao", chị Thanh Xuân, 30 tuổi, một thành viên của đoàn cứu trợ xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) nói.

Đoàn xuất phát từ đêm 12/9, đi liên tục 12 tiếng đến Lào Cai. Nhưng vừa qua vùng lụt ở Ninh Bình, chưa được nửa đường, đã có người đề nghị quay về vì sợ xe hỏng. Càng đi ngược lên miền núi, đường xá khó khăn, nỗi lo xe hỏng và gặp nguy hiểm khiến nhiều người sợ hãi.

Họ đi qua những đoạn đường một bên sạt lở, lầy lội, phải xuống đẩy ôtô hàng km qua những con đường dốc, khó đi. May mắn là lúc về xe mới hỏng. Cả đoàn nằm chờ 7 tiếng trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

"Về đến nhà cả đoàn tổ chức ăn mừng đã đi đủ về đủ", Xuân chia sẻ.

Xe chở đồ ủng hộ của bà con xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa đến với người dân vùng lũ lụt ở Lào Cai, hôm 13/9. Ảnh: Thanh Xuân

Tối 9/9, thấy người dân TP Thái Nguyên kêu cứu, chị Lê Hoài Hương, 36 tuổi, cùng chồng lên đường giải cứu.

Là người đã đi qua những điểm nóng lũ lụt ở 5 tỉnh, chị Hương kể ngày đầu đến phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên đã nhận thấy nơi đây gần trung tâm, nên "chỉ vài nguời kêu cứu là cả nước biết". Trong vài tiếng, đồ cứu trợ khắp nơi đổ về. Hôm sau đã vượt quá nhu cầu.

Câu chuyện lặp lại ở xã Sơn Đông (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Lúc đoàn tới nơi là 1h đêm thấy đồ cứu trợ tạm đủ, có hai chiếc xuồng. Đến 6h sáng, xuồng các nơi đổ về khoảng chục cái, đồ tiếp tế "chất thành núi".

Cũng ở hai điểm này, đoàn của vợ chồng Hương gặp người dân xã khác chạy đến khóc, nói không được cứu trợ gì dù cũng đang nguy cấp. "Trong một địa phương nhưng thông tin khác nhau, thành thử nơi rất thừa, nơi rất thiếu", chị Lê Hoài Hương nói.

Đoàn từ thiện của bà con xã Cao Quảng, Quảng Bình đến với bà con xã Quy Mông, Trấn Yên, Yên Bái hôm 13/9. Ảnh: Phan Khánh Thìn

Từ khi bão Yagi ảnh hưởng đến các tỉnh miền núi phía Bắc, Quang Anh, 32 tuổi, thành viên một hội phượt ở Hà Nội, cũng lập đoàn cứu trợ. Đoàn của anh đã tổ chức được ba chuyến đến các điểm nóng ở Thái Nguyên, Yên Bái.

Quang Anh dùng xe tải 2,5 tấn nên đến được tận các làng bản. Ngược lại các đoàn đi xe lớn, đường sá bị chia cắt không vào được nên đồ cứu trợ phải dồn ở điểm tập kết. Trong những thùng hàng cứu trợ có cả bánh chưng, bánh mỳ, trứng luộc hạn sử dụng ngắn nhưng không biết đến bao giờ mới tới được tay người dân.

"Địa phương tiếp nhận cũng áp lực vì phải có phương tiện và người có nghiệp vụ, kỹ năng mới đưa được đến tay bà con. Có nơi không kịp phân bổ dẫn đến hàng cứu trợ bị hư hỏng, lãng phí", Quang Anh nói.

Chị Hoài Hương chia sẻ, tình hình bão lũ thay đổi rất nhanh, một kế hoạch bài bản nhất cũng có thể phải làm lại vào phút chót. Tuy nhiên, thay vì bàn tính phương án hợp lý, có đoàn cố tập kết hàng nhanh nhất "để kịp chụp hình kẻo trời tối". Có nơi chính quyền xã không nhận vì đã đủ, nhưng các đoàn vẫn ép nhận để họ xong việc còn đi về.

"Tôi chứng kiến một đoàn cố tình dùng bè tre, ngồi đông người, không mặc đồ bảo hộ để chụp ảnh cho thêm phần bi kịch dù chính quyền có xuồng máy", Hương kể.

Ông Ngô Anh Tuấn, người sáng lập GiveNow, nền tảng gây quỹ cộng đồng trực tuyến, cho rằng thiếu sót của một số đoàn cứu trợ, thiện nguyện khi xảy ra bão lũ do không hiểu biết về hoạt động này.

Theo ông, khi mới xảy ra thiên tai, người dân bị kiệt sức do đói, rét, khát nên rất cần nhu yếu phẩm để tồn tại. Trong giai đoạn đầu, thực phẩm đã chín sẵn, không cần nấu nướng như bánh chưng, bánh mỳ, cơm, trứng luộc, lương khô, nước sạch, đồ hộp được ưu tiên.

Nhưng ở các giai đoạn sau, việc cứu trợ bằng vật phẩm rất phức tạp, đòi hỏi nắm bắt địa hình, thông tin chính xác. Tốt nhất là thông qua Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc hoặc UBND các tỉnh để các tổ chức này hỗ trợ. Các đoàn thiện nguyện lưu ý tránh làm phiền các tổ chức cứu hộ cứu nạn và chính quyền địa phương vì chỉ một cuộc gọi chưa thực sự cần thiết có thể mất cơ hội kêu cứu của người gặp nạn.

"Chỉ nên tiến hành cứu trợ khi giai đoạn cứu hộ, cứu nạn đã kiểm soát được tình hình", ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm, bà Dana R. H. Doan, tiến sĩ ngành từ thiện, Đại học Indiana, (Mỹ) cho biết có ba giai đoạn cứu trợ thảm họa thiên nhiên: cứu trợ ngay lập tức, phục hồi ngắn hạn và dài hạn.

Để được cứu trợ ngay lập tức, hàng xóm và thành viên cộng đồng có thể ủng hộ nhân lực và hiện vật. Những người sống bên ngoài vùng ảnh hưởng có thể đóng góp tốt nhất cho ba giai đoạn đoạn này bằng tiền mặt.

"Có tiền mặt, các tổ chức có thể thích ứng để đáp ứng các nhu cầu thay đổi và khi có nhiều tiền quyên góp có thể phân bổ cho các giải pháp dài hạn hơn", chuyên gia từ thiện hơn 20 năm kinh nghiệm nói.

Theo bà, chìa khóa để từ thiện hiệu quả sau thảm họa thiên nhiên là cộng tác và phối hợp. Các hội nhóm, cá nhân làm thiện nguyện phải trao đổi thông tin về các khu vực bị ảnh hưởng và đã tiếp nhận được sự hỗ trợ nào. Thông thường nên thông qua chính quyền địa phương vì họ nắm bắt tốt nhất các nhu cầu và điều phối các nỗ lực cứu trợ thiên tai.

Ông Ngô Anh Tuấn tư vấn thêm rằng các đoàn cần tìm hiểu nhu cầu của người bị ảnh hưởng để đáp ứng thứ họ cần chứ không phải thứ mình có hoặc nghĩ là họ cần.

Các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn như bánh mỳ, trứng, bánh chưng nên ưu tiên khu vực dễ tiếp cận, bệnh viện, các khu tình nguyện viên, dân quân. Mặt hàng có hạn sử dụng dài như mỳ tôm, gạo sẽ là nguồn lương thực quan trọng sau lũ lụt.

Riêng với các trang thiết bị như trang bị y tế, áo phao, quần áo, sách vở: tùy theo tình hình địa phương, có thể chuyển trực tiếp cho người dân, tình nguyện viên, dân quân, hoặc để lại điểm tập kết.

Lấy ví dụ cho việc cứu trợ "thừa mà thiếu", bà Sùng Thị Mây, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái cho biết đã nhận được nhiều đồ cứu trợ của bà con cả nước, trong đó chủ yếu là nhu yếu phẩm. "Nhưng thành phố sẽ thiếu nước trầm trọng những ngày tới. Đồ dùng gia đình như nồi cơm niêu, xoong chảo đã bị lũ cuốn hết, người dân đang rất cần để bắt đầu lại cuộc sống", bà nói.

Đội cứu hộ 24h vận chuyển nhu yếu phẩm đến bà con vùng lũ lụt Lập Thạch, Vĩnh Phúc hôm 11/9. Ảnh: Hoài Hương

Bên cạnh vấn đề phân bổ các nguồn lực cứu hộ cứu trợ, minh bạch hoạt động từ thiện cũng được quan tâm. Bà Dana cho rằng các nhà tài trợ thường quan tâm đến việc sử dụng đúng mục đích các khoản tiền quyên góp.

Sau 5 ngày đi cứu hộ, vợ chồng chị Hương cảm thấy biết ơn vì đã có cơ hội đóng góp sức mình bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân vùng lũ. "Hiện nay nhiều nơi trên cả nước khó khăn, không chỉ riêng miền Bắc, hơn thế sau bão lũ sẽ còn khổ hơn nên càng phải cứu trợ đúng lúc, đúng nơi, đúng cách", chị nói.

Dù gặp nhiều sự cố, nhóm của chị Thanh Xuân thấy may mắn vì xe nhỏ đến được tận nơi, trao được đúng người dân đang cần tại thôn 1 xã Lương Sơn (Bảo Yên, Lào Cai). Khi họ đến nơi đây vẫn còn ngập lụt, hầu như nhà ai cũng bị sạt lở và chưa nhận được sự hỗ trợ nào trước đó.

"Nhờ kinh nghiệm lần này, chúng tôi sẽ làm tốt hơn nữa trong các lần sau", Xuân nói.

Phan Dương

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.

var itvChangePosBox=setInterval(function(){var el_tlq=document.querySelector(".fck_detail .box-tinlienquanv2");if(el_tlq){var el_next=el_tlq.nextElementSibling;if(el_next&&el_next.classList&&el_next.classList.contains("box_brief_info")){el_tlq.insertAdjacentHTML("beforebegin",el_next.outerHTML);el_next.remove();}clearInterval(itvChangePosBox);}},50);setTimeout(function(){clearInterval(itvChangePosBox);},5000);
Tin liên quan
Tin Nổi bật