Peru, quốc gia ở bờ Tây của lục địa Nam Mỹ có lẽ khá xa lạ với người Việt Nam. Trước khi tập đoàn Việt Nam Viettel sang đất nước này đầu tư vào năm 2011, chỉ có vỏn vẹn bốn người Việt Nam sinh sống tại quốc gia với hơn 30 triệu dân nhưng có diện tích gấp bốn lần Việt Nam.
Độc giả Bùi Thanh Hải (phải) chụp cùng số bib tham dự Lima Half Marathon 2024.
Tôi, một người Viettel, đến sinh sống và làm việc ở Lima, Peru từ cuối năm 2023. Tôi mới tập chạy bộ vài năm, kể từ lúc dịch Covid-19 bùng nổ tại Việt Nam vào năm 2020. Sau một thời gian tự chạy, tôi tham gia nhóm PMH Runners vì gần nhà và cung đường chạy trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP HCM.
Chưa từng tham gia giải chạy nào ở Peru, nên khi được anh bạn đồng nghiệp rủ đăng ký Lima Half Marathon, tôi liền hào hứng tìm hiểu. Chỉ sau vài phút lướt Google, tôi lập tức đăng ký. Háo hức lắm chứ, bởi đây là giải bán marathon có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới. Giải được tổ chức lần đầu vào năm 1909 và năm 2024 là kỳ thứ 115. Trước khi giải năm nay diễn ra, Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) đã công nhận Lima Half Marathon là giải bán marathon lâu đời nhất thế giới.
Tôi đăng ký tham gia vào tháng 3/2024, khoảng 5 tháng trước raceday. Quá trình đăng ký hơi mất thời gian vì trang web bán bib chỉ có giao diện tiếng Tây Ban Nha - ngôn ngữ chính thức của Peru và phổ biến ở Nam Mỹ. Các câu hỏi khi mua bib cũng chi tiết hơn hẳn so với Việt Nam. Ngoài thông tin cơ bản, họ còn hỏi những câu khá lạ lẫm như: Bạn sẽ tới địa điểm chạy bằng phương tiện gì? Bạn sẽ ở đâu trước khi di chuyển tới giải? Bạn sẽ ăn uống như thế nào một ngày trước khi chạy?... Sau này, tôi mới biết họ làm vậy nhằm mục đích tiếp thị, phân luồng và bán chỗ đậu xe cho runner trong ngày diễn ra sự kiện.
Bộ racekit của Lima Half Marathon 2024.
Lúc đầu, tôi thử tìm các nhóm mua chung để được chiết khấu nhưng hoàn toàn không có chuyện đó khi mua bib ở Peru. Tôi mua vào thời điểm regular, giá bib cự ly 21km là 155 soles (khoảng 1.050.000 đồng) - khá mềm so với một giải chạy ở thủ đô có quy mô dân số và kinh tế tương đương TP HCM.
Điểm xuất phát của giải nằm ở quảng trường Plaza Mayor de Lima - quảng trường chính và nơi khởi sinh thành phố Lima với lịch sử gần 500 năm. Lima nằm ở Nam bán cầu nên tháng 8 là cuối mùa đông, nhiệt độ khoảng 14 đến 18 độ C, độ ẩm thấp. Tuy nhiên, năm 2024, Lima lại có mưa nhiều bất thường.
Khu vực nhận racekit được đặt tại công viên Lima's Circuito Magico del Agua, một điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Lima. Với quy mô khoảng 15.000 người, expo của giải được chia thành 2 khu cho cự ly 10km và 21km với khoảng 20 làn nhận bib mỗi khu. Gian hàng, khu chụp ảnh, bán hàng... khá ít. Nơi đông người xếp hàng nhất là quầy in chữ miễn phí lên áo của Puma, tôi phải xếp hàng tận 45 phút mới xong. Nếu đã quen với việc được "chiều chuộng" khi nhận racekit ở hệ thống VnExpress Marathon, chắc bạn sẽ hơi hụt hẫng vì racekit ở đây chỉ có áo, một vài vật phẩm tài trợ và tờ rơi quảng cáo.
Vào ngày race, 25/8/2024, giờ xuất phát của cự ly 10km là 6h, 21km là 7h. Do điểm xuất phát ở quảng trường với kiến trúc ô bàn cờ, độ rộng chỉ khoảng 10 mét, nên ban tổ chức phân luồng thành các pen rất cẩn thận. Runner phải vào đúng pen để tránh giẫm đạp. Các pen khi xuất phát cách nhau 200m và không xuất phát cùng lúc. Nên nếu đứng ở pen cuối cùng, bạn sẽ qua vạch xuất phát sau pen đầu khoảng 13 phút. Pen xuất phát gần cổng nhất dành cho VĐV chuyên nghiệp. Nếu muốn đứng ở bốn pen đầu nhưng không đủ thành tích (HM dưới 1 giờ 10 phút), bạn có thể mua vé VIP.
Độc giả Thanh Hải cùng tấm huy chương của Lima Half Marathon.
Các điểm tiếp nước khá dày, mỗi 2 km có một điểm, dù nhiệt độ chỉ khoảng 15 độ C. Về hình ảnh, 100% đều phải mua với giá 20 PEN (khoảng 140.000 đồng) cho một tấm. Các nhiếp ảnh gia dường như hoạt động tự do, không thấy có sự sắp xếp của ban tổ chức.
Không khí trên đường chạy phải nói là vô cùng tuyệt vời. Gần như 100% quãng đường 21km đều có người cổ vũ hai bên. Người dân Lima xem giải chạy này là lễ hội. Âm nhạc và các điệu nhảy ngẫu hứng càng làm không khí thêm phần cuồng nhiệt. Nhiều runner vừa chạy vừa lắc hông, bụng cùng người cổ vũ. Đây đúng là chạy nhảy! Cung đường chạy hoàn toàn trong thành phố nên bằng phẳng, không có đặc sản leo dốc như nhiều giải ở Việt Nam. Tôi hoàn thành với thành tích 1 giờ 57 phút, ở mức trung bình.
Điểm về đích nằm trong công viên nên không có khung chụp ảnh hoành tráng, cũng không có MC. Sau khi về đích, VĐV phải đi bộ 300m mới đến nơi nhận huy chương và không có áo finisher như một số giải có cự ly half marathon ở Việt Nam. Khu vực chăm sóc cũng không có bồn ngâm đá vì thời tiết chỉ 15 đến 16 độ C. Giải không có cự ly 5km và kid run.
Dù còn một số điểm chưa ưng ý, nhìn chung, Lima Half Marathon là giải chạy xứng đáng để bạn tham gia. Năm sau, tôi nhất định sẽ tham gia tiếp và sẽ đăng ký thêm giải Lima Marathon Adidas 42km vào năm 2025.
Độc giả Bùi Thanh Hải